Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

DCV-MacVietHong-Hồ Chí Minh, Lê Duẩn: Hai con quỷ trong lịch sử nhân loại?

|

Hồ Chí Minh, Lê Duẩn: Hai con quỷ trong lịch sử nhân loại?


Để tránh tranh cãi không cần thiết, xin thưa ngay rằng, từ “con quỷ” không phải do chúng tôi tự ý sử dụng và việc tìm ra 2 “con quỷ” này cũng đến một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.
Bênh vực
Một bạn đọc với nick Hiếu Nhân -có lẽ thuộc loại “mù” tiếng Anh- đã chuyển đến diễn đàn một link dẫn nhằm mục đích bênh vực cho thần tượng Hồ Chí Minh của mình. Ý kiến mà Hiếu Nhân post dưới bài viết “Ông Ngô Đình Diệm- Chí sĩ và tổng thống” như sau:
“Ai muốn nói gì thì nói, nhưng rõ ràng ông Ngô Đình Diệm không nổi tiếng bằng chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ông Lê Duẩn. Hai người này đã được thế giới quan tâm và đưa vào danh sách vĩ nhân: History’s greatest monsters.
Xin tạm dịch là: Những vĩ nhân thế giới”.
Hiếu Nhân đã “tạm dịch” từ “monsters” thành vĩ nhân!
Theo dõi những trao đổi khác của Hiếu Nhân có thể nhận thấy rằng, quả thực bạn đọc này muốn bênh vực, chứ không phải định ‘chơi xỏ’ thần tượng của mình.
Ở một ý kiến trước đó Hiếu Nhân viết: “Đúng rồi, UNESCO đã đưa tên tuổi cụ Hồ vào danh sách các vĩ nhân (greatest monsters) thế giới nhân dịp 100 năm sinh nhật của cụ.
Ông Lão Ngoan Đồng nói thì phải có bằng chứng, ông hãy trưng ra chứng cớ cụ Hồ là một thảm hoạ cho dân Việt Nam? Đừng ganh tị và vu oan cho một vĩ nhân như cụ Hồ”.
Ba loại quỷ
Trang mạng kể trên đã chia các nhân vật lịch sử thế giới ra làm 3 loại quái vật tùy theo mức độ tội ác mà họ gây ra cho nhân loại.
- Chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 20 triệu người: Stalin, Hitler và Mao.
- Chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất một triệu người: Danh sách này có 15 người, trong đó có Hồ Chí Minh, Polpot, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein…
-  Chịu trách nhiệm về cái chết của trên 10.000 người: Có 16 nhân vật, trong số đó có cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam- Lê Duẩn.
Nếu phân theo hình thức phạm tội ác thì có 4 loại: Phát xít, cộng sản, chế độ quân phiệt và chế độ quân chủ. Chủ nghĩa cộng sản góp mặt 12 người.
Các nước “vinh hạnh” có 2 người là Nga (Stalin, Lenin), Việt Nam (Hồ Chí Minh, Lê Duẩn), Bắc Triều Tiên (cha con ông Kim). Số còn lại rơi vào Campuchia, Romania, Nam Tư (cũ), Trung Quốc, Ethiopia và Afghanistan.
Bình chọn
Bình chọn là một hoạt động khá phổ biến của một số trang mạng nước ngoài. Mỗi trang, tùy theo tiêu chí hay quan điểm mà có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau.
Trang filibustercartoons.com không cho biết ai hay những ai đã đưa ra sự bình chọn này. Song trang web đã nhiều lần đăng các bình chọn khác như 10 người Canada vĩ đại nhất hay 100 người Mỹ xuất sắc nhất trong đó có những nhân vật như Reagan, Cliton, Luther King, George Washington…
Filibustercartoons không phải là một trang mạng thật tăm tiếng nhưng có số lượng truy cập ở mức kha khá. Nó xếp thứ hạng khoảng 204.000 trong số hàng triệu trang mạng trên toàn thế giới. Độc giả truy cập Filibustercartoons chủ yếu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Canada và Anh.
© Đàn Chim Việt
  
 
  THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Những nghề nghiệp “kinh dị” nhất trong lịch sử loài người
  2. Chấm dứt độc quyền ảnh hưởng của các chính trị gia lên đời sống nhân loại
  3. Giữa đại họa, nhân dân Nhật Bản nêu 10 bài học quý cho đồng loại
  4. Văn minh du lịch xứ Angkor
  5. Ukraine 1932-1933: trận đại tàn sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại của Staline
  6. Trả Hồ Chí Minh về cho lịch sử

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

VANews-RFA-NguyenLien Hang-Kết cục cuộc chiến Việt Nam và những quyết định từ Hà Nội

Written By BTV VANEWS on Thứ Năm, ngày 19 tháng 3 năm 2015 | 19.3.15

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 40 năm qua nhưng rất nhiều điều về cuộc chiến vẫn còn tiếp tục là chủ đề gây chú ý tại Mỹ. Các sử gia Mỹ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết về cuộc chiến này để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết cục của cuộc chiến. Giáo sư sử học Nguyễn Thị Liên Hằng thuộc trường đại học Kentucky là người có những nhận định khá khác biệt so với những sử gia Mỹ khác về những nguyên nhân dẫn đến kết cục của cuộc chiến. Điều này đã được bà đề cập trong cuốn ‘Hanoi’s War’ tạm dịch là ‘Cuộc Chiến Hà Nội’, được xuất bản vào năm 2012. Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng về những phân tích của bà về cuộc chiến.


Giáo sư sử học Nguyễn Thị Liên Hằng thuộc trường đại học Kentucky và cuốn ‘Hanoi’s War’ tạm dịch là ‘Cuộc Chiến Hà Nội’, được xuất bản vào năm 2012.

Việt Hà: Thưa bà, vào tháng 3 năm 1965, Hoa Kỳ quyết định gửi quân vào Việt Nam, theo bà thì những nguyên nhân nào từ phía Hà Nội đã có ảnh hưởng đến quyết định này của Mỹ?

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: Câu hỏi về quyết định của chính phủ Johnson khi gửi quân sang Việt nam là một câu hỏi rất quan trọng. Lập luận của tôi là cả hai chính phủ bao gồm chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Bắc Việt Nam) và chính phủ Mỹ đều có lý do để tham chiến. Theo nghiên cứu của tôi thì Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó, còn được gọi là Đảng Lao Động Việt Nam, dưới thời Lê Duẩn, đã đưa ra quyết định tiến hành một cuộc chiến ở quy mô lớn từ năm 1962, 1963. Lê Duẩn muốn tăng cường những nỗ lực cho cuộc chiến ở miền Nam và ông ta chỉ đợi cho đến khi có thời cơ tốt để tiến hành. Điều này đã không xảy ra cho đến tận cuối năm 1963 tại hội nghị trung ương 9. Với lý do đó, ông ta đã có quyết định bắt đầu một cuộc chiến quy mô lớn và Hoa Kỳ theo nhiều cách cũng đã quyết định tiến hành cuộc chiến dưới thời của Tổng thống Lydon Johnson (LBJ) trong thời gian 1964.

  Tôi cho rằng Lê Duẩn đã làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn cho phía Mỹ can thiệp sớm hơn. Cả Hà Nội và Washington đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng
Cho nên theo tôi, họ đều có lý do riêng của họ. Nó không phải là nếu Lê Duẩn không leo thang cuộc chiến thì Hoa Kỳ cũng không tham chiến, Hoa Kỳ cũng đã có lý do riêng để tham chiến….Tất nhiên quyết định của Lê Duẩn đã cho LBJ lý do để can thiệp, nhưng ông ấy cũng có lý do nội địa ở nước Mỹ để tham chiến. Nếu không phải là Lê Duẩn mà là một người khác lãnh đạo ở Bắc Việt Nam thì LBJ sẽ làm gì? Chúng ta không biết được câu trả lời rõ ràng cho điểm này. Nhưng tôi cho rằng Lê Duẩn đã làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn cho phía Mỹ can thiệp sớm hơn.  Cả Hà Nội và Washington đều phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến.

Việt Hà: Khi Mỹ gửi quân vào Việt Nam, Mỹ cũng thực hiện một loạt các chiến dịch quân sự. Một số sử gia quân sự Mỹ cho rằng các chiến dịch quân sự này đã thất bại nhưng trong cuốn Cuộc Chiến Hà Nội của bà thì tôi thấy rằng các chiến dịch quân sự của Hà Nội từ năm 1964, 1968 đến 1972 đều đã thất bại. Vậy tại sao Lê Duẩn vẫn khiến phía Mỹ phải ngồi vào vòng đàm phán và cuối cùng giành thắng lợi?

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: câu hỏi này liên quan đến bản chất của cuộc chiến tại Việt Nam. Phía Mỹ đã không có một định nghĩa rõ ràng về chiến thắng. Họ không có ý định lật đổ Lê Duẩn hay Đảng ở Hà Nội, mà chỉ là muốn duy trì một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn. Vì Johnson không tuyên bố cuộc chiến, bởi vì lúc đó Johnson đang có hai chiến dịch là chiến dịch chống đói nghèo ở trong nước Mỹ và thứ hai là cuộc chiến ở Việt Nam. Nếu ông ta không chiến thắng ở cuộc chiến này (Việt nam) thì dân chúng Mỹ sẽ mệt mỏi bởi vì họ phải gửi quân lính sang Việt Nam. Cho nên theo tôi đây là một phần lý do cho thấy mặc dù Lê Duẩn đã thất bại trong việc lật đổ chính phủ Sài Gòn nhưng ông ta vẫn chiến thắng hay khiến phía Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Đó là phần mà mọi người biết được khi đọc cuốn ‘Cuộc Chiến Hà Nội’ (Hanoi’s war). Nhưng người Mỹ đã không biết là Hà Nội cũng mắc rất nhiều sai lầm, và những mục tiêu quân sự mà Hà Nội đề ra đã không đạt được.

Trong khi đó, chúng ta nghe từ phía Mỹ là Hà nội đã thắng này thắng kia và không có những động thái sai, nhưng trên thực tế thì họ có sai lầm. Đó là điểm chính của cuốn sách của tôi. Nó cho thấy là Lê Duẩn đã có một kế hoạch quân sự đầy tham vọng là tổng tiến công và nổi dậy. Ông ta tin là mỗi lần ông ta thực hiện tổng tiến công và nổi dậy thì Thiệu sẽ bị sụp đổ nhưng điều này đã không xảy ra. Tuy vậy, Lê Duẩn nắm quyền kiểm soát chắc dư luận ở Hà Nội. Thực tế là cũng không có dư luận ở Hà Nội, vì Đảng Lao Động đảm bảo là người dân không được phép viết và chỉ trích cuộc chiến. Mỗi lần Lê Duẩn sai thì không một ai ở Hà Nội có thể lên tiếng vì Lê Duẩn có thể vô hiệu hóa được Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo khác ở Hà Nội. Lê Duẩn có thể giảm thiểu được những đe dọa cho mình. Trong khi đó thì ở Mỹ mọi điều không phải như vậy.

  Chúng ta nghe từ phía Mỹ là Hà nội đã thắng này thắng kia và không có những động thái sai, nhưng trên thực tế thì họ có sai lầm...Lê Duẩn đã có một kế hoạch quân sự đầy tham vọng là tổng tiến công và nổi dậy. Ông ta tin là mỗi lần ông ta thực hiện tổng tiến công và nổi dậy thì Thiệu sẽ bị sụp đổ nhưng điều này đã không xảy ra

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng
Việt Hà: Xin bà cho biết là mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc vào lúc đó có ảnh hưởng thế nào tới quyết định đưa quân vào Việt Nam của Mỹ?

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: tôi nghĩ là quan hệ giữa Bắc Việt nam với Trung Quốc và Liên Xô vào giai đoạn đầu những năm 60 là một quan hệ rất gần. Hoa Kỳ thì không muốn khiêu khích Trung Quốc để khiến nước này tham chiến, cho nên họ không gửi quân vào phía bắc vĩ tuyến 17 và họ cũng không ném bom biên giới giữa Trung Quốc và Việt nam ở phía Bắc ngay khi chiến dịch Rolling Thunder bắt đầu. Họ lo ngại là Trung Quốc sẽ can thiệp. Mặc dù Hà Nội không thân thiết lắm với Liên Xô vào lúc đầu cuộc chiến nhưng đến năm 1968 thì Liên Xô đã vượt qua Trung Quốc trong những trợ giúp cho Việt Nam. Cho nên quan hệ giữa các nước cộng sản này rất gần. Điều này có ảnh hưởng đến cách mà Washington tiến hành cuộc chiến với điều quan trọng nhất là họ lo ngại sự can thiệp của Trung Quốc cho mãi đến khi Nixon thực sự lên nắm quyền. Vào cuối những năm 60 thì họ biết rõ là Trung Quốc sẽ không can thiệp nhưng đó là nỗi lo sợ của họ vào lúc đầu cuộc chiến.

Việt Hà: xin bà giải thích bối cảnh tại sao sau năm 1968, Hoa Kỳ lại có những thay đổi về chính sách khi quyết định nhượng bộ ngồi xuống đàm phán với Hà Nội?

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: đã có sự phản bội lại miền Nam Việt Nam, sự phản bội đối với Việt Nam cộng hòa. Theo tôi điều này có liên quan đến sự thay đổi của chiến tranh lạnh và tình hình ở Việt Nam. Tôi nghĩ Nixon, đặc biệt là Kissinger muốn giữ uy thế của nước Mỹ trong chiến tranh lạnh. Cho nên điều mà Kissinger muốn làm là đàm phán để Mỹ thoát khỏi cuộc chiến và chỉ đợi trong vài năm Sài Gòn sẽ sụp đổ và đến lúc ấy thì đó không phải lỗi của Mỹ. Cho nên ông ta đã làm vậy. Thứ nhất là người Mỹ đã không kết nối được thực tế cuộc chiến đang diễn ra ở chiến trường và thứ hai là do sự thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô. Cho nên việc có tồn tại hay không một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn không còn quá quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu nói chuyện lại với nhau.

Ngay kể cả khi Nixon không muốn bỏ rơi Việt Nam và ông ta đã cố gắng sử dụng không quân để tàn phá Hà Nội trong thời kỳ ông làm Tổng thống, nhưng theo tôi sự tồn tại của một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn đã không còn quan trọng với Mỹ kể từ sau năm 1968, 1969, và càng rõ ràng hơn vào đầu những năm 1970 so với thời kỳ của Tổng thống Lyndon Johnson.

  Việc có tồn tại hay không một chính phủ phi cộng sản ở Sài Gòn không còn quá quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu nói chuyện lại với nhau

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng
Việt Hà: Theo bà nếu như những người đưa ra chính sách ở Mỹ biết được những gì đang diễn ra ở Hà Nội thì liệu phía Mỹ có thể kết thúc được cuộc chiến sớm hơn không?

Prof. Nguyễn Thị Liên Hằng: Trong các tài liệu lưu trữ mà tôi được nghiên cứu ở Mỹ, bao gồm của Bộ Ngoại Giao, của CIA, tôi thấy phía Mỹ đã không biết được điều gì đang diễn ra ở Hà Nội. Có một số những chuyên gia tình báo dường như là đã có những ý tưởng về những tranh luận đang diễn ra trong nội bộ Đảng Lao Động ở Hà Nội nhưng dường như không ai đọc các báo cáo của họ. Tôi nghi ngờ là ngay kể cả khi một nhân viên nào đó ở Bộ Ngoại Giao hay CIA có được thông tin đúng thì báo cáo của họ cũng khó đến được bàn Tổng Thống, vì theo tôi, cuối cùng Hoa Kỳ vẫn tin là họ sẽ chiến thắng dù điều gì đang diễn ra ở Hà Nội đi chăng nữa. Hoa Kỳ sẽ chiến thắng bởi lực lượng hùng hậu, vì vậy họ cũng không cần lợi dụng sự chia rẽ trong Đảng Lao động.

Vì điều quan trọng hơn cả là sức mạnh của Hoa Kỳ chứ không phải là kẻ thù yếu thế nào. Đã luôn có một sự tin tưởng ở Mỹ là nước Mỹ sẽ thắng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tức là Hoa Kỳ chưa từng thua một trận chiến nào. Họ cứ tham chiến và thắng. Cho nên họ không cần quan tâm đến những chia rẽ về chính trị ở Hà Nội. Tất nhiên là Hà Nội cũng gây khó khăn cho người bên ngoài muốn nhìn thấy sự chia rẽ này. Nhưng tôi có cảm giác là Hoa Kỳ chưa bao giờ cố gắng tận dụng sự chia rẽ này ở Hà Nội vì họ quá tin tưởng là họ sẽ chiến thắng bởi sức mạnh quân sự.
Việt Hà: xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà
phóng viên RFA
Theo RFA

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

DanLuan-5xu - Chuyện leo cây và nước ta lớn hay nhỏ



5xu - Chuyện leo cây và nước ta lớn hay nhỏ
5xu


Hôm rồi đi uống bia với Lệ Ngưng, cựu ca sĩ văn công quân đội, nàng bảo: nước mình bắt chước cũng không nên thân, cách mạng ô thì ra cách mạng cây.
Bia đang vui, không tiện hỏi nàng nói chữ cách mạng theo nghĩa nào. Cách mạng theo nghĩa ông cụ giải thích là cách cái mạng nó đi, thì đúng là chặt cây rồi.
Lại nhớ đến ngày xưa có chú bé làm tập làm văn, đề bài tả ông ngoại. Chú viết: Ông ngoại em tóc bạc phơ, ngày nào cũng leo cây rất hăng.
Cô giáo phê: người già không thể leo cây. Chú bèn giơ tay phản đối: Tại cô không đọc chú thích của em, chú thích nói “bà ngoại em tên là Cây”.
Vụ cách mạng cây này hay phết, nó cho thấy hóa ra ở Hà Nội vẫn có thể có phong trào (hoạt động) dân sự. Mở ngoặc chút, hoạt động dân sự nói đến ở đây có khuôn khổ rất nhỏ: người dân đấu tranh với chính quyền bằng các biện pháp dân sự (cộng đồng) để bảo vệ các quyền dân sự có tính cộng động của mình. Và họ thắng, chính quyền thua. Hay phết.
Hà Nội có một cái rất đặc thù: thời chiến tranh, thời tem phiếu, thời phân phối, thời xin cho kéo dài quá lâu nên chính quyền quen thói thô lỗ thích làm gì thì làm, quên mất dân có rất nhiều quyền dân sự được pháp luật và hiến pháp bảo vệ. Dân thì tệ hơn, vì quen với việc cúi đầu nghe chính quyền, người dân không những quên những quyền đương nhiên của mình, và quên mất cách đấu tranh dân sự.
Đấu tranh dân sự khác hẳn các đấu tranh khác: trong đó không có lòng căm thù, không sử dụng bạo lực. Mà hai cái món căm thù và bạo lực này được giáo dục và tuyên truyền tiêm vào não nhân dân mấy thế hệ qua. Nay có vẻ như, ít ra ở HN, đấu tranh dân sự đã quay lại.
Nhưng vẫn có gì đó đáng lo ngại. Nếu xã hội, cộng đồng tự nó trưởng thành, tự nó cứng cáp, thì các hoạt động dân sự của nó mới thực sự vững chắc và không lạc lối. Ngày xưa công chức, giới có của Hà Nội thời Trần Trọng Kim đã từng có những hoạt động dân sự rất oách ở Hà Nội. Không nghờ Việt Minh, một lực lượng bên ngoài cộng đồng lợi dụng xoẹt một phát lấy luôn Cách mạng tháng 8 về tay mình. Ở Sài Gòn thì ở đâu hiện ra Trần Văn Giàu nhận luôn cách mạng ở SG là của mình hehe, bọn trí thức tổ chức cách mạng ấy, sau lại chả cay vãi. Hậu quả của hai vụ này, thì đến bây giờ vẫn còn mệt. Mà lịch sử thì rất hay lặp lại hehehe.
Còn một lo ngại nữa, các hoạt động dân sự ở Hà Nội thường mang nặng di sản của mẫu hệ, phụ nữ tham gia nhiều và hăng hơn đàn ông. Nên các hoạt động xã hội dân sự ở thành phố này thường có gái tính. Cần phải khắc phục.
Nhân tiện nói đến việc dạy các thế hệ người Việt lòng căm thù, nhà nước còn tiện tay dạy luôn lòng tự hào dân tộc. Tự hào gì? Tự hào chống ngoại xâm!!!
Có ai bị thằng khác đến nhà mình, vào nhà mình, hiếp đáp mình, mình đuổi mãi mới đi, mà lại tự hào không? Cũng có thể. Nhưng đừng mang tự hào đấy dạy cho con cho cháu.
Mấy năm gần đây trên báo chí, phát biểu của lãnh đạo, ý kiến của trí thức hay nhắc đến nước Việt lớn hay nhỏ. Đây chính là một di căn của lòng tự hào đánh ngoại xâm.
Nếu định nghĩa nước lớn, là lớn như đế quốc La Mã, đế quốc Anh, đế quốc Đường, đế quốc Nguyên, đế quốc Hoa Kỳ,… thì Việt Nam chắc chắn không phải là nước lớn.
Nhưng bảo Việt Nam nhỏ thì không đúng.
Ở tầm khu vực, Việt Nam đã từng là đế quốc được xung quanh thần phục. Chẳng qua dạy lịch sử cách mạng rất nhiều mà quên cách dạy lịch sử nước nhà, không biết rằng Việt Nam có một quãng thời gian rất rất dài là một nước rất mạnh mẽ cả về quân sự lẫn kinh tế trong khu vực. Chăm chăm dạy hào hùng chống ngoại xâm mà quên béng việc dạy cái quan trọng hơn: làm cường quốc để khỏi phải chống bất cứ ngoại xâm nào, một điều mà tiền nhân của chúng ta đã làm rất giỏi. Giỏi đến mức nếu nhìn lại những gì tiền nhân đã làm được, ta không chỉ xấu hổ mà còn thấy nhục vãi chưởng.
Ngày xưa, nước ta lúc đó còn bé tí, bị đế quốc Hán, Đường đô hộ cực kỳ lâu, cả ngàn năm. Trong lúc ta bị đô hộ, ở xung quanh có nhiều vương quốc và đế chế mạnh mẽ khác hình thành. Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc rất muộn. Trong lúc ta vùng vẫy để đầu tiên là tự chủ, sau là độc lập và có nhà nước riêng (Khúc Hạo, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng) thì các nước láng giềng đã phát triển mạnh mẽ và có nền văn hóa rực rỡ phát khiếp: Chăm Pa, Chân Lạp, Miến Điện. Kể cả các tiểu quốc thuộc Mường Lào cũng có lúc không phải dạng vừa.
Tụt hậu so với họ gần 12 thế kỷ, thế mà từ khi độc lập, chỉ mất bốn thế kỷ ta đã vượt được họ. Thậm chí thôn tính béng luôn vài nước cho lành. Đến thời Lê Thánh Tông ở thế kỷ 15, sau khi thôn tính và sáp nhập Chiêm Thành vào Đai Việt (1471), tất cả các nước trong khu vực, từ Java đến Miến Điện hì hụi cử sứ qua Thăng Long mà triều cống. Đấy là chưa kể bị gián đoạn một thời gian do nội chiến rồi quân Minh kiếm cớ xâm lược và hiếp đáp nước ta vô cùng tàn bạo. Để đuổi chúng đi ta cũng phải thiệt hại rất nhiều.
Từ một thuộc địa bé tí của Trung Quốc, đến thời Lê Hoàn nước ta mới có quân đội. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, Việt Nam đã có hải quân thuộc loại mạnh. Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc, quân bộ do Tông Đản cầm, quân thủy cho Lý Thường Kiệt cầm, đánh sâu vào đất Tàu rồi rút về như không. Lý Thường Kiệt còn cầm hải quân đánh xuống nước Cham Pa ở phía nam, vào tận Quảng Nam. Chiến dịch này do vua Lý Thánh Tông cầm đầu, thắng lợi vang dội. Đến thời Lê Thánh Tông thì nước ta lên đỉnh cao, sáp nhập luôn nước láng giềng phía nam vào nước mình cho tiện quản lý (việc này ngày xưa hợp ý trời, giờ Liên hiệp quốc lên án cho vỡ sủ).
Về sau đất nước nội chiến, Trịnh Nguyễn phân chia hàng trăm năm, nhưng suốt thời gian ấy Việt Nam chỉ có mở rộng bờ cõi (về phía nam), mạnh thêm lên về kinh tế và quân sự chứ không có yếu đi. Tới thời Nguyễn Huệ, nước đã kiệt quệ vì nội chiến mấy chục năm, mà quân đội vẫn cực mạnh, đánh phát nào ngoại xâm bét nhè phát đấy. Ví dụ điển hình là nước Bồn Man, nội thuộc Đại Việt, nhiều lần nổi loạn làm phản Thăng Long đều bị đàn áp vỡ mặt. Thời Quang Trung nội chiến mệt mỏi như thế, Bồn Man tinh vi nổi lên, Trần Quang Diệu mang quân qua dẹp một phát im phăng phắc. Sau này bọn Pháp làm Liên bang Đông Dương, đem Bồn Man chia cho Lào mất. (Nhân tiện, theo lời Ngô Đình Diệm, kế hoạch của ông hoàng Cường Để là về làm quốc trưởng Liên Bang, thay cho toàn quyền đông dương, giữ các ông hoàng ở nguyên trên ngai để làm vì, ví dụ Bảo Đại ở Huế, Sihanouk ở Phnom Penh, Sisavang Phoulivong ở thủ đô Lào. Kế hoạch này sau không thành).
Chỉ tính riêng từ thời Lê Thánh Tông đến thời Minh Mạng, Việt Nam luôn là một đế chế sừng mỏ của khu vực trong suốt 3 thế kỷ. Chưa lúc nào là nước nhỏ. So với Trung Quốc thì có tiểu, nhưng không có nhược. Khác hẳn bây giờ. Ngày xưa có ông quan nào bảo nước ta nhỏ, chắc vua gọi lên tát cho vỡ mồm. Dân thì khỏi nói, chắc chém bay đầu. Riêng với bọn tự ti làm nhục quốc thể, phải đối xử hết sức thô bạo như vậy mới đúng.
Nay nói chung cần dạy trẻ con làm sao cho đúng liệu lượng.
Thay vì dạy về Trần Phú xây dựng Đảng (một nhân vật bé tí tị ti so với lịch sử nước nhà) thì dạy Lê Hoàn phá Tống và đặc biệt là bình Chiêm. Xem ông ấy hồi nước nhà còn trứng nước, đã xây dựng và tổ chức quân đội thế nào. Hoặc là dạy về Võ Tánh, một tướng tài, quân Tây Sơn còn phải nể phục. Hay dạy về Trương Vĩnh Ký mồ côi mà lại học thành bác học ra sao.
Thay vì dạy về Xô Viết Nghệ Tĩnh, một bản sao thất bại của Xô Viết bên Mao, cần dạy về chiến dịch đánh Chăm của Lê Hoàn, đánh Tàu của Lý Thường Kiệt, những chiến thắng đặt nguồn gốc cho việc nước Việt ta không chỉ giữ được bờ cõi mà còn mở mang ra gấp mấy lần.
Thay vì dạy về chiến thắng Ấp Bắc, chiến dịch mùa Xuân (dạy ít ít thôi), cần dạy về các chiến dịch của Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, dạy các thủ đoạn cai trị của Chúa Nguyễn để mở mang bờ cõi phía nam tổ quốc. Dạy về kháng chiến của Lê Lợi phải nhiều hơn dạy về kháng chiến của Việt Minh. Dạy về Điện Biên phải ít hơn dạy về Quang Trung đại phá quân Thanh. Những trận như Rạch Gầm Xoài Mút phải dạy thật kỹ, thay vì suốt ngày kể chuyện đánh mìn Đồi A1 mà ai đến xem rồi hẳn rất bất ngờ với thực tiễn hehehe.
Dạy cho trẻ con hiểu hải quân của nước ta ngày xưa mạnh thế nào, và tại sao như thế. Dạy cho trẻ con hiểu ngày xưa đồng bằng sông Hồng không chỉ là vùng nông nghiệp, mà là trung gian thương mại tầm thế giới (thời nhà Nguyên đang bá chủ) với các tuyến đường bộ đi từ đồng bằng Irrawaddy bên Miến đến Vân Nam bên Tàu, tuyến đường thủy từ Thị Nại đi đến Quảng Đông. Nhờ đó mà có tri thức, kinh nghiệm, công nghệ (sau này là tiền bạc) để phát triển kinh tế và quân đội.
Dạy cho trẻ con hiểu, nước Việt Nam ngày nay, tuổi đời thực ra rất non trẻ (1802) nhưng đã có lúc (thời Minh Mạng) cương vực rộng lớn vô cùng, ngoài Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển, ở phía nam quân đội của Minh Mạng làm chủ mặt đất đến tận Phnom Penh.
Đại khái là như vậy.
Lẽ ra việc leo cây phải làm từ lúc còn đang sức vóc. Nên giờ này vẫn cứ phải leo cây.

Dan Luan-Trần Trung Đạo: Lý Quang Diệu và chính sách ngăn ngừa Cộng Sản tại Singapore



Trần Trung Đạo: Lý Quang Diệu và chính sách ngăn ngừa Cộng Sản tại Singapore
Trần Trung Đạo
Tác giả gửi tới Dân Luận
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150327/tran-trung-dao-ly-quang-dieu-va-chinh-sach-ngan-ngua-cs-tai-singapore

Cựu Thủ tướng Cộng Hòa Singapore Lý Quang Diệu được đưa vào bệnh viện hôm 5 tháng 2 vì bịnh viêm phổi trầm trọng. Chỉ vài hôm sau, ông được chuyển qua hệ thống duy trì sự sống (life support). Theo nhiều nguồn tin, hai năm trước đây ông đã thêm vào di chúc một đoạn trong đó ông không muốn kéo dài sự sống vô nghĩa bằng cách này. Theo thông báo của chính phủ Singapore “ông qua đời trong thanh thản” tại Tổng Y Viện Singapore lúc 03:18 sáng, giờ địa phương thứ Hai 23/3/2015, thọ 91 tuổi. Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore và mất vào năm kỷ niệm 50 năm độc lập của quốc gia này.
Các thành tựu kinh tế
Về đối ngoại, hầu hết các chính trị gia thế giới từ Margaret Thatcher của Anh trước đây đến Barack Obama của Mỹ hiện nay đã từng ca ngợi Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông có một tầm nhìn rất xa không chỉ vào tương lai Singapore mà cả chính trị khu vực Á Châu và Thái Bình Dương. Từ đầu năm 1994, Lý Quang Diệu đã thấy trước sự căng thẳng trong vùng biển Đông.
Về đối nội, mặc dù nhiều chính sách cứng rắn của Lý Quang Diệu tạo nên nhiều tranh luận và phê bình, ông có một niềm tin vững chắc vào khả năng lãnh đạo của chính mình và tiềm năng của nhân dân Singapore để cùng đưa quốc gia rất nhỏ bé và bị bao quanh bởi các quốc gia thù địch thành một trong những nước giàu có nhất thế giới. Ngày nay, Singapore, quốc gia có dân số 5.5 triệu, là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, một trong năm cảng thương mại bận rộn nhất thế giới và có lợi tức đầu người cao thứ ba trên thế giới.
Một danh sách dài của những bảng danh dự mà các thống kê, các tổ chức kinh tế, tài chánh, thương mại quốc tế dành cho Singapore trong nhiều lãnh vực. Chẳng hạn, World Bank xếp Singapore vào hạng nhất trên thế giới về dễ dàng làm thương mại (The ease of doing business) và giữ vị thứ này suốt 7 năm liền; Singapore được xếp hạng ba trên thế giới về quốc gia cạnh tranh nhất (Most competitive country in the world); Singapore đứng hạng nhất về bảo vệ tài sản trí tuệ (The best protection of intellectual property); WHO (World Health Organization) năm 2010 xếp Singapore hạng nhì về tỉ lệ tử vong thấp trong thiếu nhi; Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International: Corruption Perceptions Index) năm 2010 xếp Singapore vào hạng quốc gia trong sạch nhất. Và rất nhiều bảng danh dự quốc tế khác.
Thành tựu lớn nhất của Lý Quang Diệu chưa hẳn là thành tựu kinh tế
Reihan Salam, Chủ bút điều hành của National Review Institute và tác giả nhiều tác phẩm chính trị, trong phân tích và cũng là kết luận Thành Tựu Lớn Nhất Của Lý Quang Diệu Chưa Hẳn Là Thành Tựu Kinh Tế của Singapore (Lee Kuan Yew’s Greatest Accomplishment May Not Have Been Singapore’s Economic Success) đăng trên National Review sáng 23/3/2015 vừa qua.
Theo Reihan Salam, trong những năm trước 1959, xã hội Singapore chịu đựng tình trạng xung đột chủng tộc giữa các sắc dân Ấn, Mã Lai và Trung Hoa không chỉ về kinh tế mà trong cả văn hóa, tôn giáo. Ngoài ra, sự phân liệt trầm trọng diễn ra trong sinh hoạt chính trị với đa số thành phần CS và thân Cộng là người gốc Hoa trong khi đa số thành phần chống Cộng là gốc Mã Lai. Thế nhưng, ngày nay có thể nói không một quốc gia nào mà nơi đó người dân thuộc thành phần thiểu số cảm thấy an toàn hơn tại Singapore và gần một nửa số người đang sống yên ổn tại Singapore vốn sinh ra tại nước ngoài. Sự an toàn, ổn định và hòa hợp đó sẽ không xảy ra nếu quốc gia này nằm trong tay CS. Thành tựu lớn nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, do đó, phải là thành tựu ngăn chận được sự phát triển của phong trào CS tại Singapore.
Lịch sử phong trào CS tại Mã Lai và Singapore
Năm 1927, năm cán bộ CS Trung cộng được phái tới Mã Lai để thành lập đảng CS Nanyang (Mã Lai, Singapore) với tầm hoạt động bao gồm cả Thái Lan, Đông Dương và các thuộc địa Đông Ấn thuộc Hòa Lan. Năm 1930, Đệ Tam Quốc Tế CS (1919-1943) tổ chức một hội nghị tại Singapore, giải tán đảng CS Nanyang và thành lập đảng CS Mã Lai. Cùng thời gian này, đảng CSVN cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế được thành lập.
Địa bàn hoạt động của đảng CS Mã Lai bao gồm Mã Lai, Singapore và lan rộng tận Thái Lan. Chương trình hành động của đảng CS Mã Lai gắn liền với điều kiện chính trị tại Trung cộng và đảng CSTQ bởi vì đa số đảng viên CS Mã Lai là người gốc Hoa. Những năm hòa hoãn giữa đảng CSTQ và Quốc Dân Đảng Trung Hoa để chống Nhật, đảng CS Mã Lai có cơ hội hoạt động mạnh hơn. Năm 1939, đảng CS Mã Lai có khoảng 40 ngàn đảng viên với một nửa số đó hoạt động tại Singapore. Tài liệu của đảng CSVN không ghi thống kê của năm 1939 nhưng trong giai đoạn 1935 đảng chỉ có 600 đảng viên. So sánh để thấy, hoạt động của đảng CS Mã Lai lúc bấy giờ mạnh đến dường nào.
Các đảng CS thuộc Đệ Tam Quốc Tế, trong đó có Việt Nam và Mã Lai, thực thi một chiến lược giống nhau do Lenin vạch ra trong Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản được chấp thuận tại đại hội Đệ Tam Quốc Tế lần thứ nhất vào năm 1919 và Luận Cương về Vấn đề Dân Tộc và Thuộc Địa do Lenin đọc tại đại hội của Đệ Tam Quốc Tế CS lần thứ 2 vào năm 1920. Chấp hành đường lối quốc tế đó, đảng CS tại các nước thuộc địa dùng cơ hội hợp tác với chính quyền chống ngoại xâm để phát triển đảng một cách công khai. Mã Lai-Singapore chống Anh, Trung Hoa chống Nhật và Việt Nam chống Pháp. Đảng CS mượn chiếc cầu chống thực dân và lợi dụng lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân để đạt mục đích tối hậu là thiết lập chế độ CS trên phạm vi cả nước.
Lai Teck, Tổng bí thư đảng CS Mã Lai có máu Việt Nam
Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, đảng CS Mã Lai tuyên bố hợp tác với chính quyền bảo hộ Anh để bảo vệ Singapore. Nhiều đảng viên CS Mã Lai được Anh huấn luyện quân sự. Lai Teck, Tổng bí thư đảng CS Mã Lai nhưng thực chất là một gián điệp làm việc cho nhiều cơ quan tình báo chống CS. Y có máu Việt Nam với cha là người Việt và mẹ là người Hoa. Lai Teck sinh tại Việt Nam và có tên thật là Trương Phước Đạt. Y từng làm việc cho cơ quan mật thám Pháp và xâm nhập đảng CSVN. Sau khi toàn thành nhiệm vụ Pháp chuyển Lai Teck sang cho tình báo Anh và tình báo Anh chỉ thị y xâm nhập vào đảng CS Mã Lai năm 1935. Lai Teck có một tiểu sử đầy kỳ bí và nhiều câu hỏi về nhân vật này vẫn chưa được ai trả lời thỏa mãn.
Khi Singapore rơi vào tay Nhật, Tổng bí thư Lai Teck bị Nhật bắt và trong giai đoạn này y lại bí mật hợp tác với Nhật. Sau Thế chiến thứ hai, Lai Teck vẫn tiếp tục hoạt động trong đảng CS. Mãi cho đến 1947, khi quá khứ bị phanh phui, Lai Teck bỏ trốn sang Thái. Chin Peng, Tổng bí thư mới của đảng CS Mã Lai yêu cầu các đảng viên CS Thái và CS Việt Nam đang hoạt động trên đất Thái truy lùng Lai Teck. Cuối cùng, một tổ ám sát CS Thái tìm ra và siết cổ y chết tại Bangkok. Xác của Lai Teck được ném xuống sông Chao Phraya năm 1947. Năm đó Lai Teck 44 tuổi.
Cộng sản Mã Lai và Singapore sau Thế chiến thứ hai
Giống như tại Việt Nam, khi Nhật rút lui nhưng Đồng Minh chưa đến, các nhóm CS Mã Lai xuất hiện, nhất là trong các khu người Hoa. Các đảng viên CS này được chào đón như những anh hùng cứu tinh dân tộc. Đảng CS tịch thu vũ khí do Nhật để lại và tuyển dụng đảng viên một cách công khai. Những “trung đoàn” CS trong thời chiến mỗi đơn vị chỉ hơn một trăm lính đã lên đến con số 6 ngàn trong một thời gian ngắn.
Khi chính quyền bảo hộ Anh được tái lập tại Singapore và ra lệnh đảng CS Mã Lai phải giao nạp vũ khí và giải tán các “trung đoàn” CS. Đảng CS buộc phải đồng ý giải tán nhưng cũng giấu đi nhiều vũ khí. Theo lịch sử đảng CS Mã Lai, các “trung đoàn” phải giải tán vì thiếu hàng ngũ cán bộ chính trị viên để nắm vững phần tư tưởng của đảng viên, nhưng dù sao đó cũng là một quyết định sai lầm của đảng. Trong khi đó tại Việt Nam, đảng CS lợi dụng khoảng trống cuối Thế chiến thứ hai để chiếm Hà Nội và vài thành phố khác qua biến cố gọi là “Cách mạng Mùa Thu”.
Sau thời kỳ Lai Teck, Chin Peng, 27 tuổi, một lãnh đạo CS Mã Lai gốc Hoa lên nắm quyền Tổng bí thư và chuyển sang đấu tranh bạo động, bao gồm ám sát và khủng bố. Chính quyền phản ứng mạnh qua các chiến dịch truy lùng các lãnh đạo đảng nhưng Chin Peng trốn thoát. Đảng CS Mã Lai thành lập một tổ chức ngoại vi có tên Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Mã Lai. Chính quyền Mã Lai áp dụng chính sách cắt nguồn tiếp tế cho CS bằng cách đưa dân về các “Khu tân lập” được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Sau lần đàm phán thứ nhất để giải quyết xung đột trong hòa bình thất bại, các lực lượng CS rút lui dần về biên giới Thái. Theo ước đoán của Bộ Ngoại giao Mỹ, số đảng viên CS Mã Lai trong giai đoạn này chỉ còn vào khoảng 2 ngàn người. Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Mã Lai ngày 31 tháng 8 năm 1957 nhưng vẫn tiếp tục bảo hộ Singapore.
Lý Quang Diệu và CS Singapore
Năm 1950, sau khi học xong ngành luật tại Fitzwilliam College, Cambridge, Anh, và hoàn tất chương trình thực tập luật, Lý Quang Diệu được nhận vào luật sư đoàn Anh nhưng ông đổi ý định hành nghề ở Anh và về nước. Chàng luật sư 27 tuổi Lý Quang Diệu trở lại quê hương mang theo một tấm lòng yêu nước, lý tưởng công bằng xã hội, ý chí quyết tâm và tầm nhìn xa vào tương lai Singapore.
Lý Quang Diệu là một trong ba người thành lập Đảng Hành động Nhân dân Singapore (People Action Party, gọi tắt là PAP) vào ngày 21 tháng 11, 1954. Mục đích chính của PAP là bảo đảm an ninh quốc gia mà không phải sử dụng bạo lực và xác định trong tuyên ngôn thành lập “PAP sẵn sàng hợp tác một cách thành thật với các đảng phái chính trị khác để đạt đến mục tiêu độc lập thật sự cho đất nước”.
Trong cuộc bầu cử tháng Năm 1959, PAP thắng lớn. Singapore thành quốc gia tự trị trong khuôn khổ Commonwealth và Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên với Thống đốc Sir William Allmond Codrington Goode là Quốc trưởng. Theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý 1962, Singapore sáp nhập vào Liên Bang Mã Lai. Việc chọn gia nhập Liên Bang Mã Lai phát xuất từ mối lo ngại thiếu tài nguyên và ngoài ra, một số chính trị gia cũng quan tâm đến việc Singapore có thể trở thành một quốc gia CS. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 năm, Quốc hội Mã Lai với số phiếu 126 trên 126 loại Singapore ra khỏi liên bang. Thủ tướng Lý Quang Diệu đứng trước một tương lai Singapore đầy bất ổn. Ngay cả trong nội bộ PAP, vài năm trước, các thành viên sáng lập cũng đã chọn con đường tả khuynh cho riêng họ.
Các thành phần CS và tả khuynh trong lãnh đạo PAP
Hai thành viên sáng lập khác là Fong Swee Suan và Lim Chin Siong có lập trường tả khuynh trong lúc Lý Quang Diệu quyết tâm ngăn chận mầm mống CS phát sinh trong xã hội Singapore. Lý Quang Diệu biết rõ rất đông lãnh đạo và đảng viên PAP bị ảnh hưởng CS và việc chấp nhận sự ủng hộ của cánh CS chẳng khác gì ngồi trên lưng cọp nhưng ông tin tưởng vào khả năng và có một niềm tin kiên định vào mục đích sống của đời mình. Muốn đưa Singapore trở thành một quốc gia cường thịnh, trước hết phải xóa bỏ mọi tàng tích CS còn tồn đọng từ quá khứ và ngăn chận mọi mầm mống phát sinh của ý thức hệ CS tại Singapore. Tất cả chính sách đối nội của Lý Quang Diệu đều tập trung vào mục đích đó.
Đảng PAP tập hợp những thanh niên Singapore trẻ, có tinh thần độc lập và liên kết với các nghiệp đoàn, nhưng như Lý Quang Diệu giải thích, sự liên kết này chẳng khác gì một loại “hôn nhân hợp đồng” vì ông chỉ biết nói tiếng Anh nên cần các đảng viên biết nói tiếng Tàu trong giới lao động thân CS.
Lim Chin Siong, một trong ba người thành lập, có giọng nói hùng hồn và thu hút người nghe đã đắc cử Dân biểu Quốc Hội đơn vị Bukit Timah khi chỉ mới 22 tuổi. Năm 23 tuổi Lim Chin Siong và Lý Quang Diệu đại diện cho Singapore để thảo luận về hiến pháp tại London.
Những hoạt động tả khuynh quá khích của Lim Chin Siong đã làm cho hai lãnh đạo PAP xa nhau rất sớm. Lý Quang Diệu tố cáo Lim Chin Siong là CS và dựa vào Sắc Luật An Ninh Quốc Nội (Internal Security Act) bỏ tù đồng chí sáng lập PAP này nhiều năm không xét xử.
Mặc dù Lim từ chối là CS, các hành vi của y như việc đọc diễn văn trong lễ tưởng niệm Joseph Stalin và kế hoạch lật đổ chính phủ Lý Quang Diệu sau khi Singapore sáp nhập vào Mã Lai cho thấy chủ trương CS hóa Mã Lai bao gồm cả Singapore nằm trong ý định của Lim và mục tiêu của đảng Barisan Sosialis do y thành lập. Dù sao, sau khi Lim Chin Siong chết ngày 5 tháng Hai 1996, Lý Quang Diệu bày tỏ sự kính trọng về quyết tâm, tận tụy với lý tưởng dành cho đồng chí sáng lập PAP vừa qua đời.
Fong Swee Suan, một thành viên sáng lập khác của PAP cũng có lập trường thân CS. Không giống Lý Quang Diệu học hành đổ đạt, Fong Swee Suan bị trục xuất ra khỏi trường trung học vì tham gia đình công. Fong dành hết thời gian còn lại cho các hoạt động của giới thợ thuyền. Trong thời gian PAP lãnh đạo Singapore, Fong Swee Suan là Bộ trưởng Bộ Lao Động. Tháng Bảy 1961, Lý Quang Diệu yêu cầu Fong Swee Suan từ chức vì có liên can đến việc kêu gọi Singapore tự trị. Fong bị bắt tháng Hai 1963, giam tại Mã Lai và được phóng thích vào tháng Tám 1967. Fong có niềm tin sâu xa rằng giới công nhân là giới bị áp bức bóc lột và nghiệp đoàn là phương tiện để giới công nhân đấu tranh giải phóng áp bức bóc lột. Ông thừa nhận là một người xã hội chứ không phải là CS.
Sau khi giới hạn các thành phần CS và tả khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo PAP, và ổn định chính trị quốc nội, Lý Quang Diệu thực hiện hàng loạt các chính sách kinh tế trong nước và mở rộng các quan hệ quốc tế. Singapore gia nhập Liên Hiệp Quốc 1965 và ASEAN 1967.
Lý Quang Diệu và Cộng Sản Tàu
Có lẽ không ai có ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn Lý Quang Diệu về hiểm họa CS Tàu tại Singapore. Hầu hết, nếu không muốn nói tất cả đảng viên CS hoạt động tại Singapore là người Hoa. Do đó, tách rời Singapore ra khỏi quỹ đạo của Trung Cộng càng xa càng tốt. Ông học về lý thuyết CS tại Anh một cách nghiêm túc và nhiều lần khẳng định chủ nghĩa CS không cần thiết là một phương tiện để giành độc lập và chủ nghĩa CS không thể xây dựng Singapore thành một nước cường thịnh về mọi mặt.
Vào những năm đầu thập niên 1960, trong lúc các nhà lãnh đạo CSVN phải sang chầu Trung Cộng hàng năm để xin súng đạn, Lý Quang Diệu từ chối ngay cả việc thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước có chủ quyền toàn vẹn. Những biện pháp cứng rắn của chính phủ Lý Quang Diệu sau khi Singapore ra khỏi Liên bang Mã Lai là nhằm bảo vệ sự tồn tại mong manh của bán đảo này và ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng Sản với hậu thuẩn tích cực của Trung Cộng.
Khi Đặng Tiểu Bình phát động bốn hiện đại hóa, Lý Quang Diệu mở rộng các quan hệ các quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Cộng vì lợi ích của Singapore nhưng vẫn chưa thiết lập các quan hệ chính trị trên tầm mức quốc gia. Mặc dù công khai bày tỏ sự kính phục dành cho Đặng Tiểu Bình và được mời thăm Trung Cộng nhiều lần, mãi đến tháng 10 năm 1990, khi Singapore đủ mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị, Lý Quang Diệu mới thiết lập ngoại giao hoàn toàn. Singapore là nước cuối cùng ở Đông Nam Á thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Và mặc dù công nhận Trung Cộng, Lý Quang Diệu đồng thời cũng duy trì một quan hệ tốt với Đài Loan.
Quan hệ thương mại với Trung Cộng, tránh phê bình chế độ chính trị CS tại Trung Cộng không có nghĩa Lý Quang Diệu thừa nhận cơ chế CS là đúng. Lý Quang Diệu hiểu CS hơn nhiều lãnh đạo quốc gia khác vì chính ông đã từng tranh đấu một cách gian nan để ngăn chận CS tại Singapore cũng như đã từng phát biểu về lâu về dài nền dân chủ Ấn Độ sẽ giúp cho quốc gia này vượt qua Trung Cộng.
Một số học giả Trung Cộng như Lu Qi gọi Lý Quang Diệu là hanjian (Hán Gian) khi kết án ông Lý đã buộc người dân Singapore sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính và kết quả làm cho đa số người dân Singapore gốc Hoa ngày nay không biết tiếng Tàu. Nhưng tên học giả này quên rằng Lý Quang Diệu là Singapore chứ không phải là Trung Hoa và lại càng không phải Hán. Quyết định duy trì tiếng Anh làm ngôn ngữ chính ngay từ thời gian mới độc lập là một phần trong tầm nhìn xa của họ Lý để chuẩn bị cho Singapore dễ dàng hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa năm chục năm sau.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Lý Quang Diệu và nhiều lãnh đạo sáng suốt ở châu Á đã lợi dụng chính sách chống CS của Mỹ ở châu Á để hợp tác và phát triển kinh tế với Mỹ, nhờ đó, không chỉ nền kinh tế Singapore mà nhiều nước nhỏ khác ở châu Á như Nam Hàn, Đài Loan cũng đã lần lượt cất cánh và trong một thời gian ngắn được thế giới ca ngợi như là những con rồng châu Á.
“Vâng, nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây hôm nay”
Như Joseph Chinyong Liow, thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings, phân tích trong bài bình luận Lý Quang Diệu, con người và giấc mơ hôm 22 tháng 3 vừa qua, chính lý tưởng và tầm nhìn đã giúp Lý Quang Diệu đưa Singapore từ một quốc gia bị trị, phân hóa chính trị, CS hoành hành, xung đột chủng tộc, thiếu thốn tài nguyên thiên thiên trở thành một nước hiện đại, được nhân loại khắp năm châu kính nể.
Lý Quang Diệu, một lần, thừa nhận đã có can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân nhưng như ông biện luận “Vâng, nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây hôm nay”. Đúng thế, lịch sử Singapore hiện đại đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Lý Quang Diệu có lẽ là lãnh đạo có lập trường quốc gia duy nhất không những tồn tại mà còn xóa bỏ được cả một hệ thống CS tại Singapore và đưa đất nước ông thăng tiến vượt lên trên phần lớn nhân loại.
Tham khảo:
- Lee Kuan Yew: The Crucial Years, Alex Josey, Marshall Cavendish International 2012, p10-p15.
- The Cold War in Asia (1945-1990), National Archives of Australia, 2007
Chủ đề: Thế giới