5xu - Chuyện leo cây và nước ta lớn hay nhỏ
5xu
Hôm rồi đi uống bia với Lệ Ngưng,
cựu ca sĩ văn công quân đội, nàng bảo: nước mình bắt chước cũng không nên thân,
cách mạng ô thì ra cách mạng cây.
Bia đang vui, không tiện hỏi nàng
nói chữ cách mạng theo nghĩa nào. Cách mạng theo nghĩa ông cụ giải thích là
cách cái mạng nó đi, thì đúng là chặt cây rồi.
Lại nhớ đến ngày xưa có chú bé làm
tập làm văn, đề bài tả ông ngoại. Chú viết: Ông ngoại em tóc bạc phơ, ngày nào
cũng leo cây rất hăng.
Cô giáo phê: người già không thể leo
cây. Chú bèn giơ tay phản đối: Tại cô không đọc chú thích của em, chú thích nói
“bà ngoại em tên là Cây”.
Vụ cách mạng cây này hay phết, nó
cho thấy hóa ra ở Hà Nội vẫn có thể có phong trào (hoạt động) dân sự. Mở ngoặc
chút, hoạt động dân sự nói đến ở đây có khuôn khổ rất nhỏ: người dân đấu tranh
với chính quyền bằng các biện pháp dân sự (cộng đồng) để bảo vệ các quyền dân
sự có tính cộng động của mình. Và họ thắng, chính quyền thua. Hay phết.
Hà Nội có một cái rất đặc thù: thời
chiến tranh, thời tem phiếu, thời phân phối, thời xin cho kéo dài quá lâu nên
chính quyền quen thói thô lỗ thích làm gì thì làm, quên mất dân có rất nhiều
quyền dân sự được pháp luật và hiến pháp bảo vệ. Dân thì tệ hơn, vì quen với
việc cúi đầu nghe chính quyền, người dân không những quên những quyền đương
nhiên của mình, và quên mất cách đấu tranh dân sự.
Đấu tranh dân sự khác hẳn các đấu
tranh khác: trong đó không có lòng căm thù, không sử dụng bạo lực. Mà hai cái
món căm thù và bạo lực này được giáo dục và tuyên truyền tiêm vào não nhân dân
mấy thế hệ qua. Nay có vẻ như, ít ra ở HN, đấu tranh dân sự đã quay lại.
Nhưng vẫn có gì đó đáng lo ngại. Nếu
xã hội, cộng đồng tự nó trưởng thành, tự nó cứng cáp, thì các hoạt động dân sự
của nó mới thực sự vững chắc và không lạc lối. Ngày xưa công chức, giới có của
Hà Nội thời Trần Trọng Kim đã từng có những hoạt động dân sự rất oách ở Hà Nội.
Không nghờ Việt Minh, một lực lượng bên ngoài cộng đồng lợi dụng xoẹt một phát
lấy luôn Cách
mạng tháng 8 về tay mình. Ở Sài Gòn thì ở đâu hiện ra Trần Văn Giàu nhận
luôn cách mạng ở SG là của mình hehe, bọn trí thức tổ chức cách mạng ấy, sau
lại chả cay vãi. Hậu quả của hai vụ này, thì đến bây giờ vẫn còn mệt. Mà lịch
sử thì rất hay lặp lại hehehe.
Còn một lo ngại nữa, các hoạt động
dân sự ở Hà Nội thường mang nặng di sản của mẫu hệ, phụ nữ tham gia nhiều và
hăng hơn đàn ông. Nên các hoạt động xã hội dân sự ở thành phố này thường có gái
tính. Cần phải khắc phục.
Nhân tiện nói đến việc dạy các thế
hệ người Việt lòng căm thù, nhà nước còn tiện tay dạy luôn lòng tự hào dân tộc.
Tự hào gì? Tự hào chống ngoại xâm!!!
Có ai bị thằng khác đến nhà mình,
vào nhà mình, hiếp đáp mình, mình đuổi mãi mới đi, mà lại tự hào không? Cũng có
thể. Nhưng đừng mang tự hào đấy dạy cho con cho cháu.
Mấy năm gần đây trên báo chí, phát
biểu của lãnh đạo, ý kiến của trí thức hay nhắc đến nước Việt lớn hay nhỏ. Đây
chính là một di căn của lòng tự hào đánh ngoại xâm.
Nếu định nghĩa nước lớn, là lớn như
đế quốc La Mã, đế quốc Anh, đế quốc Đường, đế quốc Nguyên, đế quốc Hoa Kỳ,… thì
Việt Nam chắc chắn không phải là nước lớn.
Nhưng bảo Việt Nam nhỏ thì không
đúng.
Ở tầm khu vực, Việt Nam đã từng là
đế quốc được xung quanh thần phục. Chẳng qua dạy lịch sử cách mạng rất nhiều mà
quên cách dạy lịch sử nước nhà, không biết rằng Việt Nam có một quãng thời gian
rất rất dài là một nước rất mạnh mẽ cả về quân sự lẫn kinh tế trong khu vực.
Chăm chăm dạy hào hùng chống ngoại xâm mà quên béng việc dạy cái quan trọng
hơn: làm cường quốc để khỏi phải chống bất cứ ngoại xâm nào, một điều mà tiền
nhân của chúng ta đã làm rất giỏi. Giỏi đến mức nếu nhìn lại những gì tiền nhân
đã làm được, ta không chỉ xấu hổ mà còn thấy nhục vãi chưởng.
Ngày xưa, nước ta lúc đó còn bé tí,
bị đế quốc Hán, Đường đô hộ cực kỳ lâu, cả ngàn năm. Trong lúc ta bị đô hộ, ở
xung quanh có nhiều vương quốc và đế chế mạnh mẽ khác hình thành. Việt Nam
thoát khỏi Trung Quốc rất muộn. Trong lúc ta vùng vẫy để đầu tiên là tự chủ,
sau là độc lập và có nhà nước riêng (Khúc Hạo, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng) thì
các nước láng giềng đã phát triển mạnh mẽ và có nền văn hóa rực rỡ phát khiếp:
Chăm Pa, Chân Lạp, Miến Điện. Kể cả các tiểu quốc thuộc Mường Lào cũng có lúc
không phải dạng vừa.
Tụt hậu so với họ gần 12 thế kỷ, thế
mà từ khi độc lập, chỉ mất bốn thế kỷ ta đã vượt được họ. Thậm chí thôn tính
béng luôn vài nước cho lành. Đến thời Lê Thánh Tông ở thế kỷ 15, sau khi thôn
tính và sáp nhập Chiêm Thành vào Đai Việt (1471), tất cả các nước trong khu
vực, từ Java đến Miến Điện hì hụi cử sứ qua Thăng Long mà triều cống. Đấy là
chưa kể bị gián đoạn một thời gian do nội chiến rồi quân Minh kiếm cớ xâm lược
và hiếp đáp nước ta vô cùng tàn bạo. Để đuổi chúng đi ta cũng phải thiệt hại
rất nhiều.
Từ một thuộc địa bé tí của Trung
Quốc, đến thời Lê Hoàn nước ta mới có quân đội. Nhưng một thời gian ngắn sau
đó, Việt Nam đã có hải quân thuộc loại mạnh. Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc,
quân bộ do Tông Đản cầm, quân thủy cho Lý Thường Kiệt cầm, đánh sâu vào đất Tàu
rồi rút về như không. Lý Thường Kiệt còn cầm hải quân đánh xuống nước Cham Pa ở
phía nam, vào tận Quảng Nam. Chiến dịch này do vua Lý Thánh Tông cầm đầu, thắng
lợi vang dội. Đến thời Lê Thánh Tông thì nước ta lên đỉnh cao, sáp nhập luôn
nước láng giềng phía nam vào nước mình cho tiện quản lý (việc này ngày xưa hợp
ý trời, giờ Liên hiệp quốc lên án cho vỡ sủ).
Về sau đất nước nội chiến, Trịnh
Nguyễn phân chia hàng trăm năm, nhưng suốt thời gian ấy Việt Nam chỉ có mở rộng
bờ cõi (về phía nam), mạnh thêm lên về kinh tế và quân sự chứ không có yếu đi.
Tới thời Nguyễn Huệ, nước đã kiệt quệ vì nội chiến mấy chục năm, mà quân đội
vẫn cực mạnh, đánh phát nào ngoại xâm bét nhè phát đấy. Ví dụ điển hình là nước
Bồn Man, nội thuộc Đại Việt, nhiều lần nổi loạn làm phản Thăng Long đều bị đàn
áp vỡ mặt. Thời Quang Trung nội chiến mệt mỏi như thế, Bồn Man tinh vi nổi lên,
Trần Quang Diệu mang quân qua dẹp một phát im phăng phắc. Sau này bọn Pháp làm
Liên bang Đông Dương, đem Bồn Man chia cho Lào mất. (Nhân tiện, theo lời Ngô
Đình Diệm, kế hoạch của ông hoàng Cường Để là về làm quốc trưởng Liên Bang,
thay cho toàn quyền đông dương, giữ các ông hoàng ở nguyên trên ngai để làm vì,
ví dụ Bảo Đại ở Huế, Sihanouk ở Phnom Penh, Sisavang Phoulivong ở thủ đô Lào.
Kế hoạch này sau không thành).
Chỉ tính riêng từ thời Lê Thánh Tông
đến thời Minh Mạng, Việt Nam luôn là một đế chế sừng mỏ của khu vực trong suốt
3 thế kỷ. Chưa lúc nào là nước nhỏ. So với Trung Quốc thì có tiểu, nhưng không
có nhược. Khác hẳn bây giờ. Ngày xưa có ông quan nào bảo nước ta nhỏ, chắc vua
gọi lên tát cho vỡ mồm. Dân thì khỏi nói, chắc chém bay đầu. Riêng với bọn tự
ti làm nhục quốc thể, phải đối xử hết sức thô bạo như vậy mới đúng.
Nay nói chung cần dạy trẻ con làm
sao cho đúng liệu lượng.
Thay vì dạy về Trần Phú xây dựng
Đảng (một nhân vật bé tí tị ti so với lịch sử nước nhà) thì dạy Lê Hoàn phá
Tống và đặc biệt là bình Chiêm. Xem ông ấy hồi nước nhà còn trứng nước, đã xây
dựng và tổ chức quân đội thế nào. Hoặc là dạy về Võ Tánh, một tướng tài, quân
Tây Sơn còn phải nể phục. Hay dạy về Trương Vĩnh Ký mồ côi mà lại học thành bác
học ra sao.
Thay vì dạy về Xô Viết Nghệ Tĩnh,
một bản sao thất bại của Xô Viết bên Mao, cần dạy về chiến dịch đánh Chăm của
Lê Hoàn, đánh Tàu của Lý Thường Kiệt, những chiến thắng đặt nguồn gốc cho việc
nước Việt ta không chỉ giữ được bờ cõi mà còn mở mang ra gấp mấy lần.
Thay vì dạy về chiến thắng Ấp Bắc,
chiến dịch mùa Xuân (dạy ít ít thôi), cần dạy về các chiến dịch của Lý Thánh
Tông, Lê Thánh Tông, dạy các thủ đoạn cai trị của Chúa Nguyễn để mở mang bờ cõi
phía nam tổ quốc. Dạy về kháng chiến của Lê Lợi phải nhiều hơn dạy về kháng
chiến của Việt Minh. Dạy về Điện Biên phải ít hơn dạy về Quang Trung đại phá
quân Thanh. Những trận như Rạch Gầm Xoài Mút phải dạy thật kỹ, thay vì suốt
ngày kể chuyện đánh mìn Đồi A1 mà ai đến xem rồi hẳn rất bất ngờ với thực tiễn
hehehe.
Dạy cho trẻ con hiểu hải quân của
nước ta ngày xưa mạnh thế nào, và tại sao như thế. Dạy cho trẻ con hiểu ngày
xưa đồng bằng sông Hồng không chỉ là vùng nông nghiệp, mà là trung gian thương
mại tầm thế giới (thời nhà Nguyên đang bá chủ) với các tuyến đường bộ đi từ
đồng bằng Irrawaddy bên Miến đến Vân Nam bên Tàu, tuyến đường thủy từ Thị Nại
đi đến Quảng Đông. Nhờ đó mà có tri thức, kinh nghiệm, công nghệ (sau này là
tiền bạc) để phát triển kinh tế và quân đội.
Dạy cho trẻ con hiểu, nước Việt Nam
ngày nay, tuổi
đời thực ra rất non trẻ (1802) nhưng đã có lúc (thời Minh Mạng) cương vực
rộng lớn vô cùng, ngoài Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển, ở phía nam quân đội của
Minh Mạng làm chủ mặt đất đến tận Phnom Penh.
Đại khái là như vậy.
Lẽ ra việc leo cây phải làm từ lúc
còn đang sức vóc. Nên giờ này vẫn cứ phải leo cây.
Chủ đề: Chính
trị - xã hội
Từ khóa: 5xu, xã hội dân sự, đấu tranh, cách mạng, Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét