Hiệp
định ÉLYSÉE 8-3-1949
Do những thay đổi ở Trung Hoa và
nhất là do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, cuộc thảo luận giữa chính phủ Pháp và Bảo
Đại được khai thông nhanh chóng. Ngày 12-2-1949, một Hội đồng hỗn hợp Pháp Việt
được thành lập và làm việc đến ngày 28-2-1949 thì kết thúc.
Sau khi lãnh đạo hai phía xem xét
lại kết quả, ngày 8-3-1949, cựu hoàng Bảo Đại đến điện Élysée, nơi đặt văn
phòng tổng thống Pháp ở thủ đô Paris, ký kết hiệp định với tổng thống Pháp là
Vincent Auriol. Vì vậy hiệp định nầy thường được gọi là hiệp định Élysée, gồm
có ba văn kiện: 1) Văn thư của tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp
Pháp, gởi hoàng đế Bảo Đại, nói về các vấn đề thống nhất, ngoại giao, nội
chính, tư pháp, văn hóa, quân sự, kinh tế, tài chánh của nước Việt Nam trong
Liên Hiệp Pháp. 2) Văn thư của hoàng đế Bảo Đại gởi tổng thống Cộng hòa Pháp,
Chủ tịch Liên Hiệp Pháp, xác nhận đã tiếp nhận và đồng ý về nội dung của văn
thư trên. 3) Văn thư của tổng thống Cộng hòa Pháp gởi hoàng đế Bảo Đại bổ túc
thêm, theo lời yêu cầu của Bảo Đại, các điểm liên hệ đến vấn đề thống nhất của
Việt Nam và vấn đề ngoại giao, nhất là việc trao đổi đại sứ.
Với hiệp định Élysée, chính phủ Pháp chính thức giải
kết hiệp ước bảo hộ 1884. Hiệp ước bảo hộ năm 1884 hết sức bất bình đẳng, đã được
ký kết ngày 6-6-1884, dưới triều vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884). Tuy nhiên,
hiệp ước 1884 chỉ đề cập đến vùng lãnh thổ từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, tức
là Trung và Bắc Kỳ mà thôi. Còn Nam Kỳ là đất đã được nhượng đứt cho Pháp từ
năm 1874, dưới triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), nên vẫn còn được xem là
lãnh thổ của Pháp. Cuộc thương thuyết về Nam Kỳ tiếp tục thêm một thời gian, để
đưa đến việc tái thống nhất hoàn toàn đất nước Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét