Hòa Ước Westphalia—Một bước ngoặt ở Âu Châu
“VIỆC nhiều nguyên thủ quốc gia ở Âu
Châu tụ họp lại đây ngày hôm nay chắc chắn là một sự kiện hiếm thấy”.
Roman Herzog, cựu tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Đức, phát biểu như trên
vào tháng 10 năm 1998. Khi nói lời ấy, cử tọa của ông gồm bốn vị vua,
bốn nữ hoàng, hai hoàng thân, một đại công tước, và một số tổng thống.
Do Hội Đồng Âu Châu bảo trợ, cuộc tụ họp ấy là một sự kiện hết sức quan
trọng trong lịch sử 50 năm của nước Đức hiện đại. Sự kiện nào vậy?
Tháng 10 năm 1998 là lễ kỷ niệm 350
năm Hòa Ước Westphalia. Thỏa ước hòa bình thường là những bước ngoặt
trong lịch sử, và về phương diện này Hiệp Ước Westphalia là đặc biệt.
Việc ký kết hiệp định này vào năm 1648 đã chấm dứt Cuộc Chiến Ba Mươi
Năm và đánh dấu sự thành lập Âu Châu hiện đại, một lục địa gồm những
nước có chủ quyền.
Một trật tự xã hội cũ bị lung lay
Vào thời Trung Cổ, những thể chế có
thế lực nhất ở Âu Châu là Giáo Hội Công Giáo La Mã và Đế Quốc La Mã
Thánh. Đế quốc ấy gồm hàng trăm lãnh thổ lớn nhỏ bao trùm diện tích mà
ngày nay gồm nước Áo, Bỉ, Cộng Hòa Czech, Đức, Hà Lan, Luxembourg, miền
đông Pháp, Thụy Sĩ, và những vùng ở Ý. Vì lãnh thổ Đức chiếm phần lớn,
nên đế quốc được biết đến là Đế Quốc La Mã Thánh thuộc Đức. Mỗi lãnh thổ
được bán tự trị bởi một hoàng thân. Còn hoàng đế là người Công Giáo La
Mã thuộc dòng họ Habsburg người Áo. Do đó, với triều đại giáo hoàng và
đế quốc nắm quyền lực, Âu Châu nằm trọn trong tay Công Giáo La Mã.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 16 và 17, trật
tự xã hội đã được thiết lập từ lâu bị lung lay. Khắp Âu Châu người ta
ngày càng bất mãn về sự quá lạm của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Những nhà
cải cách tôn giáo như Martin Luther và John Calvin nói về việc quay về
những giá trị Kinh Thánh. Luther và Calvin được nhiều người ủng hộ, và
qua phong trào này nổi lên Phong Trào Cải Cách và những giáo phái Tin
Lành. Phong Trào Cải Cách đã chia đế quốc thành ba tôn giáo—Công Giáo,
đạo Luther, phái Calvin.
Người Công Giáo nghi kỵ người Tin
Lành, còn người Tin Lành khinh thị người Công Giáo, đối thủ của họ. Xu
thế này dẫn đến sự hình thành liên hiệp Tin Lành và liên minh Công Giáo
vào đầu thế kỷ 17. Một số hoàng thân trong đế quốc theo phía Tin Lành,
còn số khác thì theo phía Công Giáo. Âu Châu—và nhất là đế quốc nói
riêng—đầy dẫy sự nghi kỵ, giống như thùng thuốc nổ chỉ cần một tia lửa
là sẽ nổ tung. Cuối cùng tia lửa đó phát ra, khởi đầu một cuộc xung đột
kéo dài 30 năm.
Một tia lửa tàn khốc khiến Âu Châu bùng cháy
Những thủ lãnh Tin Lành cố gây ảnh
hưởng trên dòng họ Habsburg thuộc Công Giáo để nới rộng tự do tín
ngưỡng. Nhưng họ miễn cưỡng nhân nhượng, và vào năm 1617-1618, hai nhà
thờ Luther ở Bohemia (Cộng Hòa Czech) bị buộc đóng cửa. Điều này làm
tầng lớp quý tộc Tin Lành bất bình, và họ xông vào một cung điện ở
Prague, túm bắt ba quan chức Công Giáo, ném ra ngoài cửa sổ ở tầng trên.
Hành động này là tia lửa khiến cho Âu Châu bùng cháy.
Mặc dù họ đáng lẽ là môn đồ của
Chúa Bình An, Giê-su Christ, thành viên của những tôn giáo đối nghịch
bấy giờ đang tranh chiến nhau. (Ê-sai 9:5) Tại Trận Bạch Sơn (White
Mountain), liên minh Công Giáo đè bẹp và làm tan rã liên hiệp Tin Lành.
Những nhà quý tộc Tin Lành bị xử tử tại nơi họp chợ ở Prague. Khắp
Bohemia, tài sản của những người Tin Lành không chịu từ bỏ đức tin bị
tịch thu và phân chia cho những người Công Giáo. Sách 1648—Krieg und Frieden in Europa (1648—Chiến
tranh và hòa bình ở Âu Châu) miêu tả cuộc tịch thu này là “một trong
những cuộc chuyển dịch tài sản lớn nhất từng xảy ra ở trung Âu”.
Bắt đầu là cuộc xung đột về tôn
giáo ở Bohemia sau biến thành cuộc tranh giành quyền lực quốc tế. Trong
30 năm kế tiếp, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, và Thụy Điển bị lôi
cuốn vào cuộc chiến. Những thủ lãnh Tin Lành và Công Giáo, thường vì
lòng tham và quyền lực, dùng thủ đoạn để đạt bá quyền và lợi lộc. Cuộc
Chiến Ba Mươi Năm đã chia thành hai giai đoạn, mỗi giai đoạn được đặt
theo tên của những địch thủ chính của hoàng đế. Một số sách tham khảo
nêu lên bốn giai đoạn: Cuộc Chiến Bohemia-Palatine, Cuộc Chiến Đan
Mạch-Lower Saxony, Cuộc Chiến Thụy Điển, và Cuộc Chiến Pháp-Thụy Điển.
Đa số sự tranh chiến diễn ra trong lãnh thổ của hoàng đế.
Vũ khí thời đó gồm súng lục, súng
hỏa mai, súng cối, súng đại bác, và Thụy Điển là một nước cung cấp khí
giới chính. Công Giáo và Tin Lành bị xiết chặt trong cuộc xung đột. Binh
lính ra trận hô to “Đức Mẹ Maria” hay “Chúa ở cùng chúng ta”. Khi tiến
quân qua các lãnh thổ Đức, quân lính cướp phá, đối xử với địch thủ và
thường dân như thú vật. Cuộc chiến đã trở nên man rợ. Quả là một sự
tương phản với lời tiên tri Kinh Thánh: “Nước nầy chẳng giá gươm lên
nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến-tranh nữa”!—Mi-chê
4:3.
Một thế hệ người Đức lớn lên chẳng
biết gì ngoài chiến tranh, và dân chúng mệt mỏi chỉ mong ước hòa bình.
Xem chừng hòa bình có thể đạt được nếu không vì những quyền lợi chính
trị đối nghịch của các nhà lãnh đạo. Cuộc chiến ngày càng mang tính chất
chính trị khi nó mất đi đặc tính tôn giáo. Trớ trêu thay, người cổ động
sự thay đổi này là một quan chức cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo.
Hồng Y Richelieu sử dụng quyền lực
Tước hiệu chính thức của
Armand-Jean du Plessis là Hồng Y de Richelieu. Ông cũng làm thủ tướng
Pháp từ năm 1624 đến 1642. Richelieu muốn biến nước Pháp thành một cường
quốc chính ở Âu Châu. Nhằm mục đích đó, ông cố làm giảm quyền lực của
dòng họ Habsburg, cũng là tín hữu Công Giáo. Ông thực hiện điều này như
thế nào? Bằng cách tài trợ cho quân đội Tin Lành thuộc lãnh thổ Đức, Đan
Mạch, Hà Lan, và Thụy Điển; tất cả các nước này đều đang tranh chiến
với dòng họ Habsburg.
Năm 1635, Richelieu gửi quân đội Pháp ra chiến trận lần đầu tiên. Sách vivat pax—Es lebe der Friede! (Hòa
bình muôn năm!) giải thích rằng trong giai đoạn cuối, “Cuộc Chiến Ba
Mươi Năm không còn là sự xung đột giữa các phe phái tôn giáo nữa... Cuộc
chiến đã trở thành sự tranh giành quyền bá chủ ở Châu Âu”. Bắt đầu là
cuộc xung đột về tôn giáo giữa Công Giáo và Tin Lành nhưng cuối cùng
người Công Giáo và Tin Lành hợp lại tranh chiến với những người Công
Giáo khác. Vốn đã suy yếu vào đầu thập niên 1630, liên minh Công Giáo bị
giải tán vào năm 1635.
Cuộc hòa đàm ở Westphalia
Âu Châu bị hoành hành bởi những vụ
cướp bóc, giết người, hãm hiếp và bệnh tật. Dần dần sự khao khát hòa
bình gia tăng mãnh liệt khi người ta nhận thức rằng đây là cuộc chiến
bất phân thắng bại. Sách vivat pax—Es lebe der Friede! bình
luận rằng “gần cuối thập niên 1630, các hoàng thân cuối cùng nhận ra
rằng quyền lực quân sự không còn có thể giúp họ đạt mục tiêu”. Nhưng nếu
hòa bình là điều mọi người ao ước, làm sao đạt được?
Hoàng Đế Ferdinand III của Đế Quốc
La Mã Thánh, Vua Louis XIII của Pháp, và Nữ Hoàng Christina của Thụy
Điển đồng ý là nên tổ chức một hội nghị mà mọi nước tham chiến phải họp
lại và thương thuyết về hòa bình. Hai địa điểm được chọn cho những cuộc
đàm phán—hai thành phố Osnabrück và Münster ở tỉnh Westphalia thuộc Đức.
Hai nơi này được chọn vì nằm ở giữa chặng đường từ thủ đô của Thụy Điển
đến thủ đô của Pháp. Bắt đầu vào năm 1643, khoảng 150 phái đoàn—một số
với đội cố vấn lớn—kéo đến hai thành phố, các phái viên Công Giáo tập
hợp ở Münster, còn các đại biểu Tin Lành họp ở Osnabrück.
Trước nhất, họ thiết lập một điều
khoản để xác định những vấn đề như tước hiệu và địa vị của các phái
viên, thứ tự chỗ ngồi và thủ tục. Sau đó những cuộc thương thuyết về hòa
bình bắt đầu, với những đề nghị được chuyển từ đoàn đại biểu này sang
đoàn đại biểu khác qua môi giới. Sau gần năm năm—trong khi chiến tranh
tiếp diễn—họ đã đồng ý về những điều khoản hòa bình. Hiệp Ước Westphalia
không chỉ gồm có một văn kiện. Một hiệp định được ký kết giữa Hoàng Đế
Ferdinand III và Thụy Điển, một cái khác giữa hoàng đế và Pháp.
Tin về hiệp ước lan rộng, khắp nơi
người ta đều ăn mừng. Cuộc chiến bắt đầu bằng tia lửa tàn khốc đã được
kết thúc bằng những cuộc đốt pháo thật sự. Pháo bông cháy sáng cả bầu
trời tại nhiều thành phố. Chuông nhà thờ đổ, đại bác nổ ầm ầm để chào
mừng, và người ta ca hát trên đường phố. Âu Châu giờ đây có thể kỳ vọng
hòa bình lâu dài không?
Có thể đạt được hòa bình lâu dài không?
Hiệp Ước Westphalia công nhận
nguyên tắc về chủ quyền. Điều này có nghĩa là mỗi thành viên trong hiệp
ước đồng ý tôn trọng lãnh thổ của tất cả các thành viên khác và không
can thiệp vào nội bộ. Thế là lục địa Âu Châu hiện đại gồm những nước có
chủ quyền ra đời. Trong các nước ấy, một số được lợi ích từ hiệp ước đó
hơn so với những nước khác.
Pháp được lập là một cường quốc chính, còn Hà Lan và Thụy Sĩ giành được độc lập. Về
các lãnh thổ của Đức, nhiều nơi bị chiến tranh tàn phá, hiệp ước có
những điểm bất lợi. Số phận của Đức một phần nào tùy thuộc vào quyết
định của các nước khác. Cuốn bách khoa tự điển The New Encyclopædia Britannica tường
thuật: “Những lợi lộc và tổn thất của các hoàng thân Đức tùy thuộc vào
thuận lợi của các cường quốc chính: Pháp Thụy Điển, và Áo”. Thay vì được
thống nhất thành một quốc gia, các lãnh thổ Đức vẫn bị chia cắt như
trước. Ngoài ra, một số vùng rơi vào vòng kiểm soát của những nhà lãnh
đạo ngoại quốc, và những khúc sông chính của Đức—Rhine, Elbe, và
Oder—cũng thế.
Công Giáo, đạo Luther, và phái
Calvin đều được công nhận bằng nhau. Điều này không hài lòng mọi người.
Giáo Hoàng Innocent X kịch liệt chống đối hiệp ước, tuyên bố nó vô hiệu
lực. Dầu vậy, ranh giới giữa các tôn giáo vốn được hoạch định phần lớn
vẫn không thay đổi trong ba thế kỷ sau. Dù chưa có tự do về tôn giáo cho
cá nhân, nhưng tình hình đang tiến triển theo đà đó.
Hiệp ước đã chấm dứt Cuộc Chiến Ba
Mươi Năm, và phần nhiều sự thù nghịch. Đây là cuộc giáo chiến lớn cuối
cùng ở Âu Châu. Chiến tranh đã không chấm dứt, nhưng nguyên nhân căn bản
đã đổi từ tôn giáo sang chính trị hoặc thương mại. Điều đó không hàm ý
là tôn giáo đã mất hết ảnh hưởng trong những sự thù nghịch ở Âu Châu.
Vào Thế Chiến I và II, trên khóa dây thắt lưng của lính Đức có khắc hàng
chữ quen thuộc: “Chúa ở cùng chúng ta”. Trong những cuộc xung đột khủng
khiếp đó, người Công Giáo và Tin Lành một lần nữa cùng phe để tranh
chiến với người Công Giáo và Tin Lành bên phe đối lập.
Rõ ràng là Hiệp Ước Westphalia đã
không mang lại hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, nhân loại biết vâng lời sắp
hưởng hòa bình ấy. Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu
qua Nước của Đấng Mê-si dưới quyền Con Ngài là Chúa Giê-su Christ. Dưới
sự cai trị của chính phủ đó, tôn giáo chân chính duy nhất sẽ có tác
động mang lại sự hợp nhất, chứ không gây chia rẽ. Không ai sẽ phải đi
tranh chiến vì lý do tôn giáo hay bất cứ lý do nào khác. Thật là nhẹ
nhõm khi Nước Trời cai trị cả trái đất và “sự bình-an... cứ thêm mãi
không thôi”.—Ê-sai 9:5, 6.
[Câu nổi bật nơi trang 21]
Bắt đầu là cuộc xung đột về tôn
giáo giữa Công Giáo và Tin Lành nhưng cuối cùng thì người Công Giáo và
Tin Lành hợp lại tranh chiến với những người Công Giáo khác
[Câu nổi bật nơi trang 22]
Binh lính ra trận hô to “Đức Mẹ Maria” hay “Chúa ở cùng chúng ta”
[Hình nơi trang 21]
Hồng Y Richelieu
[Hình nơi trang 23]
Hình vẽ thế kỷ 16 miêu tả sự tranh giành giữa Luther, Calvin, và giáo hoàng
[Nguồn tư liệu nơi trang 20]
Trích từ sách Spamers Illustrierte Weltgeschichte VI
[Nguồn tư liệu nơi trang 23]
Sự tranh giành giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo: Trích từ sách Wider die Pfaffenherrschaft; bản đồ: The Complete Encyclopedia of Illustration/J. G. Heck
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét