Chủ quyền HS-TS không được đưa vào giáo khoa Lịch sử
Theo báo Người Đô thị, tại Hội thảo môn sử trong chương trình giáo
dục phổ thông tổng thể do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày
15.11 tại Hà Nội, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học lịch sử Việt
Nam, cho biết cách đây hơn chục năm, khi được tham gia viết sách giáo
khoa, ông đã tha thiết đề nghị phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở
Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông nhưng không
được chấp nhận. Theo GS Ngọc, chỉ duy nhất trong sách giáo khoa lịch sử
10 (nâng cao) có một câu: “Kỹ thuật vẽ bản đồ cũng đạt được những thành
tựu mới, trong đó đặc biệt là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ vào
cuối thời Minh Mạng đã thể hiện tương đối chính xác hình ảnh nước Đại
Nam thống nhất, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển
Đông”. Mà theo ông, đấy dường như cũng là câu duy nhất nói đến chủ
quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong toàn bộ bộ sách giáo
khoa lịch sử phổ thông (cả chương trình chung và chương trình nâng cao)
tính cho đến thời điểm này.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, Hội Khoa học lịch sử đã
nhiều lần đề nghị phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và
Trường Sa vào trong chương trình sách giáo khoa lịch sử phổ thông nhưng
từ năm 2012 cho đến nay sách giáo khoa lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên
như cũ, chưa có thêm một dòng một chữ nào về lịch sử chủ quyền của Việt
Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo
trong sách giáo khoa lịch sử phổ thông cho đến thời điểm hiện tại vẫn
đang còn là con số không tròn trĩnh.
Theo GS Ngọc, trong SGK lịch sử có bảy bản lược đồ nói về lịch sử chủ
quyền của Việt Nam trên biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhưng cả bảy bản lược đồ này đều được hoàn thành từ lần xuất bản đầu
tiên, không phải là bổ sung mới và không có bất cứ một lược đồ nào trực
tiếp trình bày chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông hay các quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa.
Điều đáng nói là, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo
Hoàng sa (đã bị Trung quốc cưỡng chiếm toàn bộ) và Trường sa thuộc chủ
quyền của Việt nam đã bị chính phía Hà nội làm ngơ, việc không đưa lịch
sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong chương trình
sách giáo khoa lịch sử phổ thông là bằng chứng cho thấy điều đó. Đây là
hành động gián tiếp không thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của quốc gia,
điều đó cho thấy chính quyền hiện nay đã “vô tình” tiếp tay cho giặc.
http://www.danchimviet.info/archives/99539/bo-mon-hoc-lich-su-mot-am-muu-dot-gia-pha-cua-dan-toc/2015/11
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét